Tin tức - Sự kiện
Banner image
Ba Mẹ bỏ túi ngay: Tuyệt chiêu khắc phục việc con yêu “làm nũng”
image

Các bé ở lứa tuổi mầm non thường sẽ phát triển rất nhanh, trong đó có sự thay đổi không ngừng về tâm lý, thể chất. Với nhận thức và kinh nghiệm đời sống còn hạn chế, trẻ sẽ chưa hiểu được những việc Ba Mẹ dạy bảo mà chỉ muốn hành động thoả mãn theo ý muốn của mình. Con sẽ có mong muốn được tự do làm điều mình thích và muốn khẳng định “quyền lực” của bản thân với những pha “hờn dỗi” thất thường.

Vì chưa có khả năng diễn tả tất cả bằng lời nói, bé đôi lúc sẽ trở nên cáu gắt, khó chịu, hành động mang hơi hướng “chống đối” như đấm đá, cắn, cấu, khóc, la hét, ăn vạ,... Trẻ nhỏ sẽ bộc lộ cảm xúc vô cùng mãnh liệt nếu chưa được “hài lòng” hoặc chưa đạt được sự nuông chiều từ ba mẹ. Quý Phụ huynh chắc hẳn đã không ít lần bối rối, “đau đầu” thậm chí là “bất lực” trước tình huống này phải không ạ? Vậy Ba Mẹ phải làm sao để khắc phục tình trạng “làm nũng” của con yêu?

Mệt mỏi vì con làm nũng, con lam nung

Tập “làm ngơ” - bình tĩnh trước sự nũng nịu của bé

Khi con bắt đầu cáu giận, có xu hướng “nhõng nhẽo”, Ba Mẹ cần nên bình tĩnh hít thở thật sâu; tránh để cảm xúc tiêu cực lây lan làm bản thân kích động, nổi giận. Mọi phản ứng của Quý Phụ huynh đều khiến trẻ nhận ra chúng đang được quan tâm và sẽ càng tiếp tục nũng nịu. Ba Mẹ cần nên “phớt lờ” con, tránh thể hiện sự sốt ruột, lo lắng, hay nóng nảy của bản thân. Càng không nên dỗ dành, chiều theo con bằng mọi cách; hay răn đe, la mắng con trẻ.

Ba Mẹ lớn tiếng doạ nạt sẽ xây dựng một hình tượng xấu trong lòng trẻ, rất có thể con cũng sẽ noi theo. Việc người lớn cần làm trong tình huống này là bình tĩnh, im lặng quan sát hành động của trẻ để hiểu rằng con đang mong muốn, khó chịu về điều gì. Đồng thời có thể khéo léo gợi ý những hoạt động vui chơi khác để con quên đi việc bản thân đang “làm nũng”.

Con hễ thấy mẹ là mè nheo - VietNamNet

Tinh tế “tâm sự”, lắng nghe và sẻ chia những mong muốn của con

Sau khi sự việc xảy ra, lúc con đã vui vẻ bình thường trở lại, Quý Phụ huynh nên ôm bé vào lòng, nhỏ nhẹ tâm sự với con để giáo dục bé về lỗi sai và định hướng con tốt hơn. Ba Mẹ cần lắng nghe mong muốn, ý nguyện và lí do của con để có thể hoàn toàn thấu hiểu bé. Từ đó giải thích cho con thế nào là đúng, thế nào là sai, lí do con không thể làm vậy,... Hãy lý giải thật đơn giản cho con dễ hiểu chứ đừng nên đặt nặng vấn đề nhé Ba Mẹ ơi!

Khi bé đã nắm được tình huống, người lớn có thể định hướng cho bé cách làm, cách ứng xử hiệu quả cho vấn đề tương tự trong tương lai. Quý Phụ huynh lưu ý tránh nói “không” tuyệt đối với con mà nên gợi ý cho con những hướng giải quyết khác, những lựa chọn khác tốt hơn trong cùng một tình huống để con có cảm giác tự chủ, “trưởng thành” hơn.

Bé quá mè nheo, nhõng nhẽo, mẹ chỉ cần làm cách này con sẽ ngoan trong một  nốt nhạc | Bé Yêu

Trong lúc trò chuyện với con, dù nhẹ nhàng, yêu thương nhưng Ba Mẹ vẫn phải giữ vững lập trường của mình, “trước sau như một” để bé tin tưởng nghe theo. Thông qua việc trò chuyện với trẻ, Ba Mẹ hãy khuyến khích con yêu thể hiện nhu cầu, ý nguyện bằng lời nói để đạt được hiệu quả giao tiếp, để Ba Mẹ thấu hiểu con hơn là “nhõng nhẽo, hờn dỗi”. Quý Phụ Huynh cũng đừng quên khen ngợi, biểu dương khi bé chịu nghe lời, ngoan ngoãn với những hành vi tốt về sau nhé!

Kiên định mọi lúc mọi nơi với phương pháp này

Với phương pháp giáo dục này, Quý Phụ huynh phải luôn giữ thái độ bình tĩnh, tuy mềm mỏng nhưng nhất định kiên quyết khi xử lý “bé con nhõng nhẽo” mọi lúc mọi nơi. Ba Mẹ phải thật kiên định, tránh trường hợp con “làm nũng” ở nơi công cộng thì Ba Mẹ liền dỗ dành, đáp ứng, nuông chiều con ngay. Điều này sẽ khiến con có thói quen “chuyên nhõng nhẽo” ở những nơi đông người để được Ba Mẹ quan tâm, dỗ dành hết mực.

Đồng thời Quý Phụ huynh cũng cần lưu ý, không nên để những người thân xung quanh làm ảnh hưởng đến việc giáo dục con trẻ. Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con trước với các thành viên trong gia đình để cùng nhau đồng lòng, tạo nên hiệu quả tích cực. Nếu con trẻ ứng xử không tốt, việc bênh vực, chiều chuộng bé chỉ khiến việc dạy dỗ về sau càng khó khăn hơn nên gia đình mình phải thật lí trí đấy ạ!

Những việc làm của bố mẹ "giết chết" sự tự tin của con

“Làm nũng” là đặc điểm bình thường của các bé nhỏ khi con chưa phát triển hoàn thiện về nhận thức và ngôn ngữ. Việc của Ba Mẹ là khắc phục sự “nhõng nhẽo” của con hiệu quả, hướng con đến cách ứng xử tích cực hơn. Từ đó rèn luyện cho trẻ sự tinh tế, hiểu chuyện và hình thành các hành vi tốt trong con. Quý Phụ huynh hãy ghi nhớ những “tuyệt chiêu” trên đây để áp dụng với những thiên thần nhỏ đáng yêu của “Đại gia đình Học viện Mầm non Trí Tuệ” nhé!